Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang là khái niệm nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà quản lý. Nhưng nếu không hiểu đúng về khái niệm này, rất có thể bạn và doanh nghiệp của mình thất bại trong cách tiếp nhận và triển khai quá trình này.

Chuyển đổi số là gì?

3 vấn đề bạn đang hiểu sai về chuyển đổi số trong doanh nghiệp
3 vấn đề bạn đang hiểu sai về chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số áp dụng triển khai vào từng ngõ ngách của một tổ chức. Thay vì giải quyết bằng các phương pháp truyển thống, số hóa cho phép tạo ra các kiểu đổi mới và sáng tạo hơn trong từng lĩnh vực cụ thể.

Một quá trình chuyển đổi số được coi là thành công nếu áp dụng công nghệ vào 5 khía cạnh sau:

  • Thúc đẩy văn hóa và chiến lược số
  • Gắn kết khách hàng
  • Cải tiến quy trình vận hành
  • Công nghệ làm việc
  • Phân tích và quản lý dữ liệu

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và lợi ích khổng lồ của chuyển đổi số, nhưng nếu những nhà quản lý còn loay hoay với những hiểu lầm căn bản sau, họ có thể sẽ làm phung phí nguồn lực và sụp đổ hoàn toàn những cố gắng của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là sân chơi riêng của các ông lớn trong làng công nghệ

Chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những cái tên xuất hiện dày đặc trên trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây: Uber và Grab thách thức ngành taxi truyền thống. Airbnb thách thức khái niệm về khách sạn và lưu trú. Netflix thách thức các kênh giải trí truyền thống. Spotify tái định nghĩa cách chúng ta tiếp cận âm nhạc…

Những câu chuyện trên đã và đang tạo ra hiểu lầm cho nhiều doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam khi cho rằng: Chuyển đối số trước nay vẫn được coi là sân chơi chính cho các unicorn và startup công nghệ cao, trong khi chính những doanh nghiệp truyền thống mới là những trụ cột nuôi dưỡng nền kinh tế.

Các doanh nghiệp truyền thống bị giới hạn bởi sức ì do chính hệ thống, cơ chế, quy trình và bộ máy tổ chức tạo ra. Vì thế, họ dần mất đi khả năng thích ứng nhanh, khả năng linh hoạt, và tinh thần sáng tạo.

Nếu không linh hoạt bắt kịp với những đổi thay mang tính chiến lược, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị đào thải. Nên lưu ý, cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay, sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.

Chuyển đổi số thường “tốn kém”

Đây là lý do mà bất cứ doanh nghiệp nào khi bắt đầu quá trình số hóa thường nghĩ đến. Cũng phải thôi, bởi lẽ đối với các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính chưa đủ lớn. Con số bỏ ra cho chuyển đổi số là vượt tiềm lực tài chính của họ. Và ý định nhen nhóm thường bị dập tắt ngay từ giai đoạn này.

Tuy nhiên, với sự đột phá về mặt công nghệ với bộ mã nguồn mở, công nghệ điện toán đám mây,… Các doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều có thể triển khai quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số sẽ thành công tức khắc ngay sau khi áp dụng công nghệ

Công nghệ rốt cuộc cũng chỉ là một thứ công cụ, bản thân việc áp dụng công nghệ chẳng thể đảm bảo được kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc, tăng năng suất, tạo lợi nhuận mà hơn hết, nó phải là nền tảng văn hóa của một doanh nghiệp. Muốn thành công, doanh nghiệp phải có cho mình một bản hoạch định chiến lược lâu dài.

Chuyển đổi số đã không còn chỉ là một xu hướng nhất thời, mà đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong thời đại ngày nay. Bởi vậy, để sớm gia nhập môi trường số hoá và mang lại thành công cho doanh nghiệp, những người lãnh đạo cần phải trang bị thật đầy đủ những kiến thức cần thiết cho bản thân mình!