Theo số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư năm 2021, bên cạnh vấn đề về chi phí, năng lực quản trị dữ liệu, khả năng tiếp cận nguồn vốn, thông tin, tài liệu, tìm kiếm chuyên gia chính là những rào cản lớn đối với chuyển đổi số Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động lên mọi mặt của nền kinh tế, chuyển đổi số là xu hướng không thể cưỡng lại với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thật đã cho thấy rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng trụ lại trước những tác động nặng nề của đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ bắt đầu có xu hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với bối cảnh hiện tại để tồn tại. Xu hướng mà các doanh nghiệp đang hướng tới đó là áp dụng chuyển đổi số.

Với giai đoạn khó khăn này, lợi ích của chuyển đổi số đã được minh chứng rõ ràng khi đã giúp nhiều doanh nghiệp phát triển thêm kênh bán hàng, mở rộng tệp khách hàng để phân phối tốt hơn tới các thị trường tiềm năng, đặc biệt phải kể đến là sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong việc giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình lên nền tảng của Amazon, giúp cho những ngành mặt hàng của Việt Nam được đến tay ngươi nước ngoài, một điều mà có thể coi là bất khả nếu không áp dụng chuyển đổi số.

Những thách thức chuyển đổi số ở Việt Nam
Những thách thức chuyển đổi số ở Việt Nam

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp phải những rào cản, khó khăn. Trong đó, có tới 60% doanh nghiệp nói rằng chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ là một rào cản. Ngoài ra, thách thức đối với quá trình chuyển đổi số còn đến từ việc làm sao để thay đổi được thói quen, tập quán kinh doanh và tìm kiếm ở đâu nguồn nhân lực hỗ trợ chuyển đổi số.

Bên cạnh chi phí đầu tư cho chuyển đổi số, thách thức đối với quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam còn đến từ khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu, tìm kiếm chuyên gia hỗ trợ. Năng lực quản trị dữ liệu của các doanh nghiệp vẫn còn thấp, quy trình nội bộ chưa được chuẩn hóa ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, khả năng kết nối với các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vẫn còn tương đối hạn chế. Hệ sinh thái số Việt Nam chưa thực sự phát triển đầy đủ, cùng với đó là các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cũng là các thách thức của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.

Năm 2022 sẽ mở ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội được áp dụng chuyển đổi số hơn nữa bởi Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ triển khai mạnh việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Kế hoạch này chia thành 3 nhóm lớn với nhóm thứ nhất dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu chuyển đổi số. Nhóm thứ 2 nhắm vào các doanh nghiệp đang tăng trưởng. Cuối cùng là nhóm thứ 3 hướng ra toàn cầu với đối tượng là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua các nền tảng số.

Nguồn: Vietnamnet